Đức Thánh Cha: Hãy để Lời Chúa biến đổi cuộc sống chúng ta trong hy vọng và bác ái

  • Thứ hai, 16:03 Ngày 22/01/2024
  • Ngày 21 tháng 1 năm 2024
    Chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Lời Chúa mùa thường niên, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta “được chinh phục bởi vẻ đẹp” của Lời Chúa mang vào cuộc sống, mở rộng trái tim và cho chúng ta thấy những điều kỳ diệu và những chân trời mới, mà ta không thể thấy trước được, về tình yêu của Thiên Chúa.

    Tác giả: Thaddeus Jones

    Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ “Chúa nhật Lời Chúa” tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 21 tháng Giêng. Khẩu hiệu năm nay được lấy từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Hãy ở lại trong Lời Thầy ” (Ga 8,31).

    Qua sáng kiến mục vụ sâu sắc, Đức Thánh Cha thiết lập ngày này cho ta thấy tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống hàng ngày của Giáo hội và các cộng đoàn, Lời Chúa không chỉ trong phạm vi Sách Thánh, nhưng Lời Người luôn sống động qua dấu chỉ cụ thể và hữu hình. Bộ Truyền giáo và Nhóm phụ trách các vấn đề cơ bản của việc Truyền giáo trên thế giới của Vatican, đã chuẩn bị cuốn sổ tay phụng vụ và mục vụ đặc biệt cho việc cử hành hàng năm, diễn ra vào Chúa nhật thứ ba Mùa Thường niên.

    Trong bài giảng Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô, khi đề cập đến bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật, nói rằng khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên bỏ lưới đánh cá để theo Ngài, Lời của Chúa “toả ra quyền năng của Chúa Thánh Thần, một năng quyền kéo con người đến với Thiên Chúa.” Lời lôi kéo chúng ta đến với Thiên Chúa và sau đó “gửi chúng ta đến người khác”, vì Lời làm cho trái tim và tâm trí của chúng ta mở rộng, mở ra những chân trời mới và thú vị của hy vọng và tình yêu mà chúng ta tự nhiên mong muốn chia sẻ với người khác.

    Tất cả những nhà truyền giáo
    Đức Thánh Cha giải thích chúng ta cũng giống như vậy, trên bờ hồ cuộc sống của chúng ta, nơi chúng ta đang bận rộn với những “lưới” công việc hàng ngày của mình, cần lắng nghe lời mời gọi của Chúa để lên dường cùng Ngài như những nhà truyền giáo, “những sứ giả và chứng nhân của Thiên Chúa cho một thế giới chìm đắm trong lời nói, nhưng lại khao khát Lời của Chúa mà thường bị bỏ qua.”

    “Giáo hội sống nhờ sự năng động này: được Chúa Kitô kêu gọi, được Người lôi kéo và được sai đi vào thế giới để làm chứng cho Ngài”.

    Nhắc lại cách mà các Thánh qua nhiều thế kỷ đã mở rộng con tim và tâm trí của mình cho Lời Chúa, để Lời Chúa chạm đến các ngài và đổi mới tâm hồn các ngài bằng sự bình an của Chúa Giêsu và biết quan tâm đến người khác, Đức Thánh Cha gợi ý rằng chúng ta cũng có thể hành động theo cách tương tự nếu chúng ta "đừng 'điếc' trước Lời Chúa."

    Đức Thánh Cha chỉ ra nguy cơ đối với tất cả chúng ta là bị choáng ngợp bởi tất cả những gì chúng ta nghe và để Lời Chúa lướt qua mình, mà chúng ta không thực sự nghe, đón nhận và lan toả Lời. Trên hết, khi đọc Lời Chúa, chúng ta cần cầu nguyện cũng như khi đọc Kinh Thánh, “để cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập”. Ngài nhắc lại hai chiều kích nền tảng của việc cầu nguyện Kitô giáo là “lắng nghe lời Chúa và thờ phượng Lời Chúa”.

    “Chúng ta hãy tạo không gian để cầu nguyện với lời của Chúa Giêsu. Điều đó sẽ xảy ra với chúng ta như đã xảy ra với những môn đệ đầu tiên.”
    Kiếm tìm cuộc sống mới

    Nhắc lại việc các môn đệ bỏ lưới đánh cá để theo Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha mô tả quyết định và lòng can đảm của họ từ bỏ lối sống cũ để lớn lên trong một cuộc sống mới có ý nghĩa bắt nguồn từ đức tin và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, là tâm điểm của cuộc sống của họ.

    “Kinh thánh đặt chúng ta vào sự tốt lành và nhắc nhớ chúng ta là ai: là con cái Thiên Chúa, được Chúa cứu độ và được yêu thương... Kinh thánh giải phóng đức tin bị tê liệt và đưa chúng ta thưởng nếm lại đời sống Kitô hữu như nó vốn có: một câu chuyện tình yêu với Chúa.”
    Theo Chúa

    Khi mô tả cách các môn đệ đi theo Chúa, Đức Thánh Cha nói rằng sự lựa chọn của họ cho chúng ta thấy Lời Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi những trở ngại trong quá khứ và hiện tại và làm cho chúng ta “trưởng thành trong sự thật và bác ái”, mang lại cho chúng ta cuộc sống và đổ đầy niềm hy vọng mới.

    Đức Thánh Cha cầu nguyện để chúng ta cũng có thể “hân hoan trở về với nguồn mạch đức tin, nảy sinh từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa hằng sống”. Trong khi người ta liên tục nói và đọc những lời về Giáo Hội, xin Chúa giúp chúng ta tái khám phá ra “Lời sự sống vang vọng trong Giáo Hội”.

    “Chúng ta hãy trở về với nguồn mạch để cung cấp cho thế giới nước hằng sống mà nó không thể tìm thấy; và, trong khi xã hội và các phương tiện truyền thông xã hội nhấn đến tính bạo lực của lời nói, thì chúng ta đón nhận “sự hiền lành của Lời cứu độ.”
    Đọc lời Chúa

    Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta đã dành bao nhiêu vị trí cho lời Chúa tại nơi chúng ta đang sống. Với những gì chúng ta đọc và đọc, chúng ta có dành vị trí cho Kinh Thánh không? Chúng ta có sách Tin Mừng cầm tay, “trong túi, ví, trên điện thoại của chúng ta không?”

    “Nếu Chúa Kitô thân yêu với tôi hơn bất cứ thứ gì, thì làm sao tôi có thể để Người ở nhà mà không mang theo Lời Người bên mình?”

    Ngài khuyến khích giáo dân đọc qua ít nhất một trong bốn cuốn Tin Mừng, vì nhiều người có thể đã chưa đọc. Và để hỗ trợ năm ngàn giáo dân tham dự buổi cử hành buổi sáng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, các bản sao Tin Mừng Thánh Mátcô đã được chia sẻ đến toàn thể giáo dân.

    Kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là “nguồn gốc và tác giả của vẻ đẹp,” và cầu nguyện rằng chúng ta hãy “để mình được chinh phục bởi vẻ đẹp mà lời Chúa mang lại cho cuộc sống của chúng ta”.

    Nguồn: https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-01/pope-let-the-word-of-god-renew-our-lives-in-hope-and-charity.html

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam


     

    Bài viết liên quan